Viêm họng cấp là bệnh lý hay gặp do nhiều nguyên nhân gây ra, viêm họng cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt viêm họng cấp hay gặp khi thời tiết thay đổi liên tục, tuy vậy nhiều người không hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh dẫn đến việc sử dụng thuốc không đúng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
1. Các nguyên nhân gây viêm họng cấp

1.1 Nguyên nhân theo y học hiện đại:
Do virus: Đây được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm họng cấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, các loại virus thường gây ra viêm họng bao gồm Adenovirus (là nguyên nhân chủ yếu nhất trong các loại virus gây viêm họng), các loại virus cúm, sởi, coronavirus, epstein-Barr virus ( là loại virus hay thấy trong niêm mạc hầu họng)…
Do vi khuẩn:
- Liên cầu khuẩn: Trong các loại vi khuẩn liên cầu thì liên cầu beta tan huyết nhóm A là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm họng cấp. Đặc biệt hay gặp ở trẻ từ 5-15 tuổi, bệnh nhân thường sốt cao, hạch sưng to, nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh đúng thì có thể dẫn đến các biến chứng như viêm cầu thận cấp, thấp tim…
- Bạch hầu: Hay gặp ở trẻ em, là loại vi khuẩn trước đây gây viêm họng giả mạc rất phổ biến và rất nguy hiểm. Tuy nhiên sau khi điều chế được vắc-xin phòng bệnh thì tỷ lệ bị bệnh này ở trẻ rất hiếm gặp. Nên để phòng bệnh cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
- Một số loại vi khuẩn hiếm gặp khác: Lậu cầu, chlamydia, não mô cầu…
Do các nguyên nhân khác: Do bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản gây kích ứng niêm mạc họng thường dẫn tới viêm họng mạn, ô nhiễm không khí, dị ứng…
Các nguyên nhân gây viêm họng cấp theo y học cổ truyền: Theo y học cổ truyền thì viêm họng thuộc chứng hầu tý, nguyên nhân gây ra chứng hầu tý có thể do ngoại tà xâm nhập hay cơ thể vị nhiệt thịnh.
Phong hàn: Do ăn uống không điều độ, không giữ ấm cơ thể, chính khí suy giảm phong hàn thừa cơ xâm nhập gây ra các triệu chứng như họng đau, phát sốt sợ lạnh, đau đầu, nuốt đau. Có thể ho khạc đờm trong loãng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.
Phong nhiệt: Biểu hiện họng đau sưng đỏ, đau, có thể sốt, không sợ lạnh, có thể ho khạc đờm vàng đặc, chất lưỡi hơi đỏ, rêu vàng, mạch phù sác.
Vị nhiệt thịnh: Do cơ thể bị ngoại tà xâm nhập tích tụ lâu ngày không được điều trị dẫn tới hóa hỏa dẫn tới các triệu chứng như họng sưng đỏ đau nhiều, nuốt khó, nuốt đau, đờm vàng, khó khạc, sốt, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hồng sác.
2. Các phương pháp điều trị viêm họng cấp
2.1 Điều trị theo Tây y
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể mà đưa ra phương pháp điều trị phù hợp
Nguyên nhân do virus: Thông thường virus không có phương pháp điều trị đặc hiệu mà biện pháp điều trị chủ yếu là giải quyết các triệu chứng như:
- Sốt: Nếu sốt trên 38,5 độ C với người bình thường hoặc trên 38 độ C với những trẻ có tiền sử sốt cao co giật thì cần sử dụng thuốc hạ sốt (ví dụ như paracetamol liều dùng 10-15mg/kg cân nặng, uống cách nhau ít nhất 4-6 giờ nếu có sốt lại trên 38,5 độ C). Trường hợp nếu bệnh nhân sốt nhẹ chưa cần dùng thuốc thì hạ nhiệt người bệnh bằng các phương pháp vật lý như mặc quần áo thoáng mát, phòng thoáng khí, chườm ấm cho trẻ bằng nước ấm thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ C.
- Bù nước: Bù nước bằng oresol tùy theo nhu cầu và từng độ tuổi.
- Nâng cao thể trạng: Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường nước ép hoa quả, rau xanh, các loại thức ăn có chứa nhiều vitamin C.
Nguyên nhân do vi khuẩn: Cần điều trị bằng kháng sinh, tuy vào nguyên nhân cụ thể mà lựa chọn kháng sinh phù hợp, sốt hạ sốt tương tự như trường hợp do virus, bổ sung chất dinh dưỡng và vitamin.
Trường hợp do nguyên nhân khác: Ví dụ như trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị trào ngược bằng thuốc ức chế tiết dịch vị.
2.2 Điều trị theo y học cổ truyền
Thể phong hàn: Khu phong, tán hàn, tân ôn giải biểu
- Bài thuốc: Kinh giới 10g, phòng phong 10g, cát cánh 10g, cam thảo 4g, tô diệp 10g, sinh khương 10g, trần bì 8g.
- Phân tích bài thuốc: Kinh giới có tác dụng khu phong, tán hàn, giải biểu; phòng phong trừ thấp, tán hàn; cát cánh thông phế khí, lợi hầu họng, giảm đau họng, dẫn bài thuốc quy kinh phế; tô diệp khu phong, tán hàn, giảm ho; sinh khương phát tán phong hàn, giảm nôn, ôn ấm tỳ vị, hóa đờm, giảm ho; trần bì bình vị, hành khí, giảm ho, giảm đờm; cam thảo lợi hầu họng, giảm đau họng, điều hòa các vị thuốc.
Thể phong nhiệt: Sơ phong thanh nhiệt, giải độc lợi hầu.
- Bài thuốc: Kinh giới 10g, phòng phong 10g, ngưu bàng tử 10g, cát cánh 10g, cam thảo 4g, kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, bối mẫu 10g, huyền sâm 12g, tang bạch bì 12g, bạc hà 8g.
- Phân tích bài thuốc: Kinh giới, phòng phong khu phong, trừ tà; cam thảo, ngưu bàng tử, cát cánh 3 vị thuốc phối hợp vừa trừ tà, lợi hầu họng, giảm đau họng, điều hòa các vị thuốc; kim ngân hoa, liên kiều thành nhiệt, trừ tà, giải độc, được coi là kháng sinh đông y; huyền sâm thanh nhiệt, sinh tân dịch; bối mẫu thanh phế nhiệt, giảm ho, trừ đờm; tang bạch bì giảm ho, thanh phế nhiệt; Bạc hà giúp sơ phong thanh nhiệt, lợi hầu họng.
Thể vị nhiệt: Thanh nhiệt giải độc, lợi hầu họng
- Bài thuốc: Kim ngân, liên kiều: 12g; hoàng cầm 10g; chi tử 10g; ngưu bàng tử 12g; cam thảo 4g; kinh giới 10g; phòng phong 10g; huyền sâm 12g.
- Phân tích bài thuốc: Kim ngân, liên kiều thanh nhiệt giải độc; Hoàng cầm, chi tử thanh nhiệt trừ thấp, thanh vị nhiệt, dẫn nhiệt ra ngoài theo đường tiểu tiện; ngưu bàng, cam thảo lợi hầu họng, điều hòa vị thuốc; kinh giới, phòng phong trừ tà; huyền sâm thanh nhiệt lương huyết sinh tân.
Viêm họng cấp là bệnh hay gặp, nguyên nhân chủ yếu do virus nên cần nhận biết chính xác bệnh không nên sử dụng kháng sinh bừa bãi và không cần thiết. Một số bài thuốc y học cổ truyền được sử dụng rất hiệu quả trong điều trị bệnh viêm họng cấp. Đặc biệt là mọi người cần biết cách phòng bệnh viêm họng tại nhà.
Nguồn tài liệu: phòng khám đông y uy tín https://thuocnamnguyenkieu.com/
Tags: bệnh viêm amidan, bệnh viêm họng