Tiểu đường tuýp 2 là một tình trạng rối loạn chuyển hóa carbohydrate mạn tính, gặp ở người độ tuổi trung niên. Tình trạng này có thể do nhiều yếu tố tác động gây nên. Từ đó gây ra sự tăng glucose trong máu và dẫn tới hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.
-
Tiểu đường tuýp 2: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
1. Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Tiểu đường ( hay gọi là đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate mạn tính. Trong đó cơ thể không sử dụng được glucose do thiếu hụt sản xuất insulin hoặc không sử dụng được insulin hoặc cả hai. Bình thường cơ thể lấy năng lượng từ các thành phần gồm glucose, lipid, protein. Trong đó glucose cung cấp nguồn năng lượng chính cho các tế bào hoạt động. Nhưng muốn glucose có thể vào tế bào để cho tế bào sử dụng thì cần phải có insulin.
Insulin là một hormon do tế bào bêta của tuyến tụy nội tiết sản xuất ra. Tiểu đường tuýp 2 là tình trạng mà cơ thể có sự đề kháng insulin, có nghĩa là cơ thể sử dụng rất kém insulin. Phản ứng của cơ thể khi nhận thấy glucose máu tăng là sẽ càng tăng tiết insulin trong giai đoạn đầu tuy nhiên insulin này kém hiệu quả, đến một lúc nào đó tế bào beta đảo tụy suy giảm chức năng do hoạt động quá mức, không thể tiết insulin đầy đủ, lúc đó cần phải cung cấp insulin ngoại sinh cho cơ thể.
2. Nguyên nhân tiểu đường tuýp 2

Hiện nay vẫn chưa được biết. Bệnh thường do nhiều yếu tố phối hợp và cũng có sự góp phần của yếu tố di truyền. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nguyên nhân đái tháo đường tuýp 2 gồm:
- Thừa cân, béo phì: tình trạng thừa cân làm tăng sự đề kháng insulin.
- Lối sống ít vận động thể lực.
- Tiền sử gia đình có người tiểu đường tuýp 2.
- Tuổi cap: nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi
- Tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ ở nữ.
- Tiền sử sinh con to hoặc cân nặng lúc sinh lớn hơn 4000g.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Người mắc hội chứng chuyển hóa.
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn mỡ máu.
3. Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 thường khởi phát từ từ, không rầm rộ như tiểu đường tuýp 1. Đa phần là tình cờ phát hiện. Hoặc bệnh nhân có thể đi khám vì một số triệu chứng bao gồm:
Những triệu chứng kinh điển của tiểu đường:
- Ăn nhiều.
- Uống nhiều.
- Tiểu nhiều do lượng đường trong nước tiểu cao, gây lợi niệu thẩm thấu.
- Gầy nhiều (gầy sút cân): bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường có thể trạng béo, nhưng khi có triệu chứng tăng đường huyết mà không kiểm soát, hoặc tiểu đường mới phát hiện thì có biểu hiện sụt cân.
Triệu chứng khi có biến chứng:
- Biến chứng cấp tính
Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu: Biểu hiện yếu, mệt mỏi, khát nước, khô da, chuột rút, mạch nhanh, tụt huyết áp, rối loạn ý thức (lơ mơ, ngủ gà, hôn mê). Tình trạng này tiến triển từ từ trong vài ngày đến vài tuần nếu không được điều trị kịp thời.
- Biến chứng mạn tính
- Nhìn mờ: do biến chứng võng mạc, đục thủy tinh thể.
- Biến chứng mạch máu lớn và mạch máu ngoại vị gây ra cản trở sự lưu thông của dòng máu.
- Tê bì dị cảm ở bàn chân do biến chứng thần kinh và mạch máu nhỏ.
- Loét bàn chân. Nhiễm khuẩn tiết niệu răng miệng.
- Đầy bụng, chậm tiêu, nuốt khó (biến chứng thần kinh tự động gây liệt dạ dày, thực quản)
- Đau cách hồi chi dưới (đau khi đi lại, đỡ khi nghỉ, do biến chứng mạch máu). Ngoài đau chân còn có, teo cơ, da khô, da chân tay lạnh, mạch bắt yếu. Nặng hơn có thể gây ra hoại tử khô các ngón chân, nguy cơ phải tháo ngón, cắt cụt.
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh đái tháo đường tuýp 2
Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ: Người bệnh đáp ứng 1 trong các tiêu chuẩn sau:
- Đường huyết ở thời điểm bất kỳ >11,1 mmol/l, kèm triệu chứng của tăng đường huyết (như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều).
- Đường huyết lúc đói (nhịn ăn >8-14h) >7 mmol/l trong ít nhất 2 buổi sáng khác nhau
- Đường huyết 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp tăng đường huyết >11,1 mmol/l.
- Chỉ số HbA1C (định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng) >6,5%

Ngoài ra để chẩn đoán là đái tháo đường tuýp 2 phân biệt với tuýp 1 khi xuất hiện các dấu hiệu đi kèm như:
- Bệnh xuất hiện ở người lớn >30 tuổi, triệu chứng lâm sàng không rầm rộ thường phát hiện tình cờ, thể trạng béo, có thể có tiền sử đái tháo đường thai kỳ ở nữ.
- Chỉ số insulin bình thường hoặc tăng, không có kháng thể kháng tế bào beta đảo tụy.
- Các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa đi kèm như: Cholesterol, LDL-Cholesterol, Triglycerid…
- Soi đáy mắt: Để tìm các tổn thương võng mạc.
- Điện tâm đồ: Tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành.
- Siêu âm doppler mạch máu tìm kiếm tổn thương mạch máu đi kèm.
5. Điều trị tiểu đường tuýp 2 như thế nào?

Hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi được tiểu đường. Nhưng sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống tập luyện giúp kiểm soát tốt mức đường huyết. Từ đó giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Phương pháp điều trị tiểu đường tuýp 2 gồm có:
- Sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết: Có nhiều nhóm thuốc giúp kiểm soát đường huyết, tùy vào thể trạng và tình trạng tăng đường huyết của bệnh nhân để phối hợp thuốc. Có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp nhiều nhóm thuốc giúp tăng tác dụng điều trị. Nếu việc kiểm soát đường huyết không đảm bảo khi dùng thuốc hoặc người bệnh dị ứng thuốc, thì cần dùng insulin ngoại sinh.
- Điều trị các bệnh kèm theo như: Tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid hoặc các biến chứng đi kèm.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Hạn chế tinh bột, hạn chế đồ ngọt, tăng cường rau xanh và các loại trái cây (Trừ các loại trái cây ngọt như mít, na, nhãn…), kiểm soát năng lượng đưa vào cơ thể tránh tình trạng dư thừa năng lượng. Hạn chế chất béo, mỡ động vật, đồ chế biến sẵn..
- Chế độ tập luyện: Nên duy trì tập luyện mỗi ngày 20-30 phút, mỗi tuần ít nhất 5 ngày. Tập với cường độ tăng dần, tùy theo tình trạng sức khỏe và khả năng chịu đựng của mỗi người.
Tiểu đường tuýp 2 là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, nên việc kiểm soát tốt đường huyết là rất quan trọng. Chế độ ăn uống và tập luyện giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết. Chính vì vậy nên kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện với sử dụng thuốc.
>>>> Xem thêm:
- mẹo chữa bệnh thoát vị đĩa đệm
- viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Nguồn tài liệu: phòng khám chuyên khoa YHCT số 5 https://thuocnamnguyenkieu.com/