CHÂM CỨU

Trong các phương pháp điều trị không dùng thuốc của Đông y, không thể không nhắc đến Châm cứu. Châm là dùng loại kim đặc biệt có độ dài ngắn, kích thước khác nhau để châm vào các huyệt vị trên cơ thể. Cứu là sử dụng lá ngải khô chế thành ngải nhung, rồi từ đó tạo thành điếu ngải để đốt rồi hơ hoặc đặt trực tiếp lên huyệt vị.

Khi châm hoặc cứu, tùy vào loại bệnh cần điều trị và ý đồ của người thầy thuốc mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhất định để đạt được mục đích đả thông kinh mạch, khí huyết, trừ bệnh tật, nâng cao sức khỏe.

NGUỒN GỐC VÀ TÁC DỤNG CỦA PHƯƠNG PHÁP CHÂM CỨU?

Châm cứu bắt nguồn từ cách đây khoảng 25.000 năm, trên mảnh đất của vùng châu thổ sông Hoàng Hà.. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những kim châm đầu tiên bằng đá trong một số di chỉ. Đến thời đại đồ đồng người ta làm ra các cây kim bằng đồng gọi là đồng châm. Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc (770.221 trước công nguyên) con người đã biết dùng sắt để tạo ra các cây kim bằng sắt nhỏ tinh xảo hơn.

Châm cứu bắt nguồn từ cách đây khoảng 25.000 năm
Châm cứu bắt nguồn từ cách đây khoảng 25.000 năm

Thời kỳ này xuất hiện bộ sách Y Học đầu tiên có ghi chép về châm cứu là bộ Nội Kinh hay còn gọi là bộ “Hoàng đế Nội kinh” bao gồm 2 quyển Tố vân và Linh khu tổng kết tất cả tinh hoa của Y học từ nguyên khai.

Riêng về châm cứu có một số cống hiến:

  1. Sáng lập ra học thuyết Kinh lạc: mô tả tương đối kỹ nguồn gốc đường đi, hội chứng các kinh lạc.
  2. Đề ra 9 loại châm và cách dùng.
  3. Quy định vị trí và tên các huyệt.
  4. Nêu được một số huyệt chính để chữa bệnh: 160 huyệt.
  5. Thảo luận những vị trí cấm châm.

Triều Tấn có Châm cứu giáp ất kinh, trong đó lấy các thành tựu châm cứu học từ thời Tần, Hán trở lại rồi chỉnh lý, kết hợp với kinh nghiệm lâm sàng mà viết thành.Đời Đường có ‘Thiên kim yếu phương và Thiên kim dực phương trong đó bàn rất tỉ mỉ về phép châm cứu, về khổng huyệt và châm kỵ… Triều Tống có Đồng nhân du huyệt châm cứu đồ kinh, kèm theo có hai bảng ghi chú Kinh huyệt đồng nhân. Đó là thời kỳ thịnh của học châm cứu trên lịch sử.

Trải qua bề dày lịch sử, châm cứu học ngày càng phát triển và hoàn thiện về lý luận. Trong những năm gần đây, ở rất nhiều nước, phương pháp chữa bệnh bằng cách tác động lệ “huyệt” nằm trên cơ thể con người và động vật đã được một sự quan tâm đặc biệt, và việc tìm hiểu cơ chế tác dụng của nó (châm cứu) trên cơ sở khoa học đã và đang gây nên những tranh luận vô cùng sôi nổi.

Qua các công trình nghiên cứu trên lâm sàng và thực nghiệm, thật khó mà nói một cách chính xác khoa học về cơ chế tác dụng của phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu. Có rất nhiều giả thuyết về cơ chế tác dụng của châm cứu được bàn đến.

Châm cứu được đánh giá cao trong điều trị các bệnh cấp và mãn tính
Châm cứu được đánh giá cao trong điều trị các bệnh cấp và mãn tính

Theo y học cổ truyền, hệ kinh lạc bao gồm những đường kinh (thẳng) và những đường lạc (đường ngang) nối liền các tạng phủ ra ngoài da và tứ chi, khớp ngũ quan, và nối liền các tạng phủ, kinh lạc với nhau. Hệ thống kinh lạc chằng chịt khắp cơ thể làm cơ thể tạo thành một khối thống nhất, thích nghi được với hoàn cảnh tự nhiên và xã hội.

Trong kinh lạc có kinh khí vận hành để điều hoà KHÍ HUYẾT làm cơ thể luôn khỏe mạnh, chống được các tác nhân gây bệnh. Hệ kinh lạc cũng là nơi biểu hiện các trạng thái bệnh lý của cơ thể, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận các hình thức kích thích (dùng châm, cứu, xoa bóp, ấn huyệt giác…) thông qua các “huyệt” để chữa bệnh.

Bệnh tật sinh ra do nguyên nhân bên ngoài (ngoại nhân – tà khí) hoặc nguyên nhân bên trong (chính khí hư) đưa đến sự bế tắc vận hành kinh khí trong đường kinh. Nếu có tà khí thực thì phải loại bỏ tà khí ra ngoài (dùng phương pháp tả), nếu do chính khí hư thì phải bồi bổ cho chính khí đầy đủ (dùng phương pháp bổ).

Mỗi đường kinh mang tên một tạng hoặc một phủ nhất định. Khi tạng phủ có bệnh thường có những biểu hiện thay đổi quan biểu lí với nó (Chẩn đoán dựa vào phương pháp chẩn đoán chung, kết hợp với phương pháp chẩn đoán trên kinh lạc, dò kinh lạc…). Khi châm cứu, người ta tác dụng vào các huyệt trên các kinh mạch đó để điều chỉnh các rối loạn chức năng (bế tắc) của kinh mạch.

Ngày nay, cơ chế tác dụng của châm cứu được giải thích theo học thuyết thần kinh – nội tiết – thể dịch. Châm cứu là tạo một kích thích gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý có thể xuất hiện ngay tức thì sau khi châm kim và tác động vào huyệt, nhưng cũng nhiều khi phải lưu kim lâu và điều trị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhiều liệu trình mới thu được kết quả.

Ngoài vai trò của thần kinh ra còn có vai trò của nội tiết, thể dịch tham gia trong việc phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Căn cứ vào vị trí tác dụng của nơi châm cứu đề ra 3 loại phản ứng cơ thể, trên cơ sở này để giải thích cơ chế tác dụng và hướng dẫn phương pháp học tập và sử dụng châm cứu dễ dàng hơn.

Hiện nay, Châm cứu được đánh giá cao trong điều trị các bệnh cấp và mãn tính như: liệt dây VII ngoại biên, đau dây V và các dây thần kinh ngoại biên khác, máy mắt, sụp và mỏi mắt, liệt nửa người, đau thần kinh tọa, giãn dây chằng, thoái hóa khớp gối, đau do thoái hóa cột sống cổ, cột sống thắt lưng, huyết áp cao, huyết áp thấp, rối loạn thần kinh tim, các bệnh về dạ dày, ruột, các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh…

Nguồn tài liệu: thuốc nam Nguyễn Kiều https://thuocnamnguyenkieu.com/