Xơ gan là một bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra nhiều biến chứng xảy ra. Nếu xơ gan được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ giúp giảm sự phát triển của xơ gan, kéo dài tuổi thọ.
1. Bệnh xơ gan theo y học hiện đại

1.1 Xơ gan là gì?
Xơ gan là một bệnh mạn tính của gan, bệnh được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng cá mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng gan. Bệnh xơ gan là hậu quả của tình trạng viêm gan mạn tính, tác động của các chất gây hại cho gan trong thời gian dài.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh
- Xơ gan do virus: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh xơ gan, nhất là viêm gan virus B và viêm gan C. Viêm gan virus có khả năng biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan.
- Xơ gan do rượu: Đây là nguyên nhân gây xơ gan nhiều thứ hai chỉ sau viêm gan virus. Hiện nay đang có xu hướng tăng cao. Do bệnh nhân uống các loại rượu chưa được khử các chất độc có trong rượu nên các chất độc này càng ngày càng làm tổn hại tế bào gan và gây xơ gan.
- Xơ gan do ứ mật: Mật bị ứ đọng do tình trạng viêm, tắc đường mật ( cả đường mật trong gan và ngoài gan). Mật sẽ tác động làm ảnh hưởng, tổn thương tế bào gan dần dần dẫn đến xơ gan.
- Xơ gan do nhiễm độc: Có thể là hóa chất (DDT, urethane, phosphor, tetraclorocarbon…) hoặc thuốc ( isoniazid, rifampin, methotrexate, phenylbutazon…)
- Một số nguyên nhân khác cũng gây nên bệnh xơ gan như: Xơ gan do ký sinh trùng ( sán máng, sán lá gan), xơ gan do mạch máu hoặc xơ gan do xung huyết, xơ gan do lách to, trẻ nhỏ sinh ra không có ống dẫn mật do bị teo ống dẫn mật cũng dẫn đến xơ gan.…
1.3 Dấu hiệu bệnh xơ gan
- Gan có luôn luôn có khả năng bù trừ rất tốt, nên phần gan chưa bị xơ hóa sẽ làm thay chức năng, nhiệm vụ cho phần gan đã bị tổn hại. Cho đến khi gan bị xơ đến trên 75% thì mới có biểu hiện bệnh rõ ràng.
- Trong giai đoạn đầu: Người bệnh thường không có dấu hiệu gì ngoài một vài biểu hiện như là ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, sụt cân, có thể giảm ham muốn tình dục.
- Đến giai đoạn sau: Các biểu hiện như ngứa, da sậm màu, xuất hiện nhiều nốt giãn mạch màu đỏ trên da ngực trên lưng, trên cổ trên mặt, trên cánh tay, trên lòng bàn tay đỏ rực lên còn gọi là dấu hiệu bàn tay son, nước tiểu sẫm màu, dễ bị chảy máu răng, máu mũi, da dễ bị bầm hơn khi va chạm, mắt và da bắt đầu vàng.
- Giai đoạn nặng khi gan không còn khả năng bù trừ thì sẽ xuất hiện vàng da, vàng mắt, phù, bụng to và màng bụng có nước còn gọi là tràn dịch màng bụng.
1.4 Hướng điều trị
Tùy thuộc tình trạng tổn thương gan mà có biện pháp điều trị khác nhau. Mục đích của quá trình điều trị làm chậm quá trình xơ hóa ở gan, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Thuốc điều trị là các thuốc cải thiện tế bào gan, cải thiện triệu chứng của bệnh.
2. Xơ gan theo quan điểm y học cổ truyền

Xơ gan theo y học cổ truyền được mô tả thuộc phạm vi các chứng hoàng đản, tích tụ, hiếp thống.
Nguyên nhân và cách điều trị bệnh xơ gan theo y học cổ truyền
Do can uất tỳ hư
- Biểu hiện sắc mặt tối sạm, đầu choáng váng mệt mỏi, ăn kém, đau vùng gan, tức vùng thượng vị, ợ hơi, bụng chướng đầy, đại tiểu lỏng, rêu lưỡi mỏng mạch huyền tế.
- Phương pháp điều trị: Sơ can, kiện tỳ.
- Bài thuốc: Tiêu giao tán gia giảm ( Bạch truật 12g, bạch linh 10g, bạch thược 10g, gừng 6g, đại phúc bì 6g, sài hồ 10g, cam thảo 4g, đại táo 6g, ý dĩ 16g, đan sâm 16g, hoàng kỳ 10g, ngũ gia bì 8g, nhân trần 20g, chi tử 8g)
Do khí trệ huyết ứ (thường có dấu hiệu tăng áp lực tĩnh mạch cửa)
- Biểu hiện: Đau vùng mạn sườn nhiều, bụng chướng, người gầy, lách to, môi lưỡi tím, mạch tế.
- Phương pháp điều trị: Sơ can lý khí hoạt huyết.
- Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang gia giảm (Đào nhân 12g, hồng hoa 8g, đương quy 12g, xích thược 12g, đan sâm 12g, tam lăng, nga truật, hương phụ chế và chỉ xác cùng 8g).
Âm hư thấp nhiệt
- Biểu hiện: Sắc mặt vàng tối, chảy máu cam, chảy máu chân răng, cổ chướng nhiều, phù, có thể sốt, người nóng, miệng khô, đại tiện táo, tiểu tiện ít, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền tế sác.
- Pháp điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp, dưỡng âm lợi thủy.
- Bài thuốc: Bài số 1 (Nhân trần 20g, chi tử 8g, bạch mao căn 12g, hậu phác, trần bì và bán hạ chế cùng 6g, sa sâm, sinh địa, sa tiền, trạch tả cùng 12g, thạch hộc 20g). Bài số 2 (Thục địa, hoài sơn, bạch truật, địa cốt bì cùng 12g, sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, đương quy cùng 8g, bạch mao căn 20g)
Tỳ thận dương hư
- Biểu hiện: Mệt mỏi, ăn kém, trướng bụng, phù, tiểu ít, đại tiện lỏng, sợ lạnh, sắc mặt vàng, chất lưỡi nhạt hoặc bệu, rêu trắng mỏng, mạch trầm tế.
- Pháp điều trị: Ôn thận tỳ dương
- Bài thuốc: Phủ tự trung thang gia giảm (phụ tử chế, phục linh, trạch tả, đại phúc bì, hoàng kỳ cùng 12g, quế chi, can khương, hậu phác, xuyên tiêu cùng 6g)
3. Chế độ ăn uống cho người mắc bệnh xơ gan

- Tăng cường thực phẩm giàu kali như chuối, nho.., ăn nhiều rau xanh và trái cây
- Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày khoảng 5-6 bữa.
- Tăng cường các thực phẩm giàu đạm thực vật như: đậu hà lan, đỗ đen, đậu đỏ…
- Tuyệt đối phải tránh xa các loại bia rượu.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp, các thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế muối hoặc ăn nhạt hoàn toàn khi có phù và cổ trướng vì lượng muối có thể gây tích nước trong cơ thể khiến tình trạng phù tăng lên.
- Có thể sử dụng các cây thuốc nam đun thành nước uống hàng ngày. Các vị thuốc có thể dùng như nhân trần, cà gai leo…
Bệnh xơ gan là một bệnh lý nặng, có tiên lượng xấu. Tuy nhiên nếu tuân thủ điều trị và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh giúp bệnh tiến triển chậm hơn.
Nguồn tài liệu: Phòng khám YHCT uy tín https://thuocnamnguyenkieu.com/
Tags: bệnh xơ gan, viêm gan b, viêm gan c