Một chế độ ăn uống cho người mỡ máu cao đúng cách giúp những người có mỡ máu cao được kiểm soát tốt hơn. Từ đó hạn chế những biến chứng do tăng mỡ máu gây ra. Ngoài ra, kiểm soát tốt mỡ máu giúp người bệnh hạn chế việc dùng thuốc, tránh những tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra.
-
Mỡ trong máu là gì?
1. Nguyên tắc khi thay đổi chế độ ăn uống cho người mỡ máu cao
Khi có chỉ số mỡ máu cao, việc thay đổi chế độ ăn uống rất cần thiết để cải thiện tình trạng mỡ máu cao. Tuy nhiên, cần có một chế độ phù hợp và cải thiện dần dần. Một số nguyên tắc khi thay đổi chế độ ăn uống bao gồm:
- Không nên hạn chế tuyệt đối lượng mỡ đưa vào cơ thể trong thời gian ngắn. Khi thấy có tình trạng tăng mỡ máu, nên bắt đầu việc giảm lượng chất béo đưa vào cơ thể khoảng 20% so với lượng ban đầu. Sau đó tăng dần lên và thay thế bằng các thực phẩm hữu ích khác. Nên thực hiện thay đổi việc giảm lượng chất béo đưa vào mỗi một tháng, để đạt được hiệu quả mong muốn trong vòng 6 tháng.
- Nếu tăng mỡ máu ở ngưỡng cao cần kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và uống thuốc. Kiểm tra lại sau mỗi 6 tháng.
- Nếu tăng nhẹ, chưa cần dùng thuốc mà thay đổi chế độ ăn uống tập luyện trước. Sau đó đánh giá lại sau 6 tháng xem có cần phải dùng thuốc không.
- Có thể kết hợp với các thảo dược như hà thủ ô, giảo cổ lam, lá sen, cỏ xước…uống thay chè để hạn chế mỡ máu.
- Thực hiện thay đổi chế độ ăn uống cần kết hợp với tập luyện giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.
2. Những thực phẩm nên ăn

- Chất xơ: Sử dụng chất xơ giúp giảm hấp thụ chất béo và đường ở ruột non, qua đó giúp làm giảm nồng độ mỡ máu ở những người có mỡ máu cao. Chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
- Thay thế việc sử dụng chất béo bão hòa thành các chất béo không bão hòa. Theo nghiên cứu thì chất béo không bão hòa có tác dụng làm giảm mỡ máu và rất nhiều các lợi ích khác cho sức khỏe. Chất béo không bão hòa có nhiều trong dầu olive, các loại hạt và quả bơ, các loại cá nhiều dầu (như cá hồi, cá trích, cá ngừ,…).
- Dầu olive là một loại dầu thực vật không bão hòa, ngoài tác dụng làm giảm mỡ máu, hạn chế lượng cholesterol, còn rất hữu ích với tim mạch.
- Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, người mỡ máu cao nên uống nhiều nước trong ngày.
- Cung cấp protein từ các loại thịt nạc, thịt gia cầm, cá sữa và các chế phẩm từ sữa.
3. Những thực phẩm không nên ăn

- Hạn chế thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa: Mỡ động vật, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ như thịt trâu, thịt bò; lòng đỏ trứng gà, các món chiên xào.…
- Hạn chế lượng đường vào cơ thể mỗi ngày: Khi lượng đường trong cơ thể dư thừa sẽ tích trữ dưới dạng mỡ. Ngoài ra, việc hạn chế lượng đường đưa vào cơ thể đã cho thấy kết quả tốt giúp giảm mỡ máu. Hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều đường như các loại trái cây ngọt (nhãn, na, mít…), tinh bột, các đồ uống có gas, đồ uống đóng sẵn, đường tinh, chè, mứt, kẹo, bánh kem, kem…
- Hạn chế thức ăn chế biến sẵn: Bim bim, xúc xích, đồ ăn đóng hộp…
- Tránh sử dụng rượu bia, không chỉ làm tăng mỡ máu mà còn ảnh hưởng không tốt tới chức năng các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan.
- Tránh ăn khuya: Vào buổi tối lượng năng lượng mà cơ thể tiêu thụ rất ít, nên nếu người bệnh ăn tối quá muộn(sau 8h tối) sẽ gây dư thừa năng lượng. Lượng năng lượng dư thừa sẽ tích tụ gây tình trạng mỡ máu cao. Chính vì vậy người bệnh cần lên cho mình một lịch trình ăn uống cụ thể nếu muốn điều trị căn bệnh máu nhiễm mỡ.
Thực hiện kiểm soát chế độ ăn uống cho người mỡ máu cao là biện pháp tốt để hạn chế tăng mỡ máu. Nên có một chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa và điều trị rối loạn chuyển hóa lipid trong cơ thể. Kết hợp với tập luyện để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Nguồn tài liệu tham khảo: thuốc nam Nguyễn Kiều https://thuocnamnguyenkieu.com/
Tags: mỡ máu, rối loạn chuyển hóa lipid