Bệnh sốt xuất huyết

Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Việc chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết cần dựa vào các biểu hiện lâm sàng có tính gợi ý và chẩn đoán xác định nhờ các kết quả cận lâm sàng. Khi xác định chính xác tình trạng bệnh, việc điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi đề phòng biến chứng. Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết cần được thực hiện sớm ở giai đoạn sớm. Từ đó có thể kiểm soát được các biến chứng.

1. Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

(Ảnh minh họa. Internet)
(Ảnh minh họa. Internet)

Sốt xuất huyết là tình trạng bệnh lý do virus dengue gây ra qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi. Chẩn đoán bệnh dựa vào yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng

1.1 Dấu hiệu lâm sàng

Bệnh biểu hiện nặng nhẹ tùy theo từng trường hợp bệnh nhân. Có thể các dấu hiệu từ nhẹ tới nặng.

Ở giai đoạn sớm khoảng 3 ngày đầu của bệnh. Bệnh nhân xuất hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau mỏi cơ, đau người, có thể có viêm long đường hô hấp trên.

Giai đoạn sau (giai đoạn xuất huyết): Biểu hiện sốt có thể giảm, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra. Bệnh nhân có thể thấy xuất huyết dưới nhiều hình thức khác nhau:

  • Xuất huyết dưới da: Bệnh nhân thấy các điểm xuất huyết dưới da, kèm theo ngứa da. Tình trạng này là nhẹ nhất.
  • Có thể xuất hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ có thể chảy máu rong huyết.
  • Xuất huyết đường tiêu hóa với biểu hiện đi ngoài phân đen, đi ngoài phân có lẫn máu hay nôn ra máu.
  • Xuất huyết nặng hơn có thể là biểu hiện xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng nguy hiểm đến tính mạng.
  • Do hiện tượng cô đặc máu nếu không bù đủ dịch bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, nặng hơn sốc do giảm khối lượng tuần hoàn.

1.2 Dấu hiệu cận lâm sàng

(Ảnh minh họa. Internet)
(Ảnh minh họa. Internet)

Xét nghiệm đặc hiệu:

  • Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1: Xét nghiệm này được chỉ định thực hiện từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 5 của bệnh. Tuy nhiên nếu đã qua 3 ngày đầu thì kết quả có thể âm tính.
  • Xét nghiệm kháng thể IgM: Chỉ số IgM xuất hiện từ ngày thứ 4-5 sau sốt. Tùy thuộc mức độ sinh kháng thể của từng bệnh nhân mà kết quả xét nghiệm này có dương tính hay không.
  • Xét nghiệm kháng thể IgG: IgG xuất hiện vào ngày thứ 10-14 và có thể tồn tại nhiều năm sau đó. Ở thể thứ phát IgG đã sẵn có trong máu và tăng lên trong 1-2 ngày

Xét nghiệm theo dõi bệnh lý cần thiết khác: Tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể:

  • Xét nghiệm công thức máu: Theo dõi tiểu cầu và chỉ số HCT.
  • Xét nghiệm điện giải đồ (bao gồm Na+, K+, Cl-): Để đánh giá tình trạng rối loạn điện giải.
  • Xét nghiệm men gan gồm AST, ALT, GGT: nhằm kiểm tra chức năng gan, đánh giá tổn thương và phát hiện biến chứng của sốt xuất huyết;

2. Điều trị bệnh sốt xuất huyết

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng sốt xuất huyết và kết hợp chế độ ăn uống nghỉ ngơi:

2.1 Điều trị triệu chứng

Điều trị bệnh sốt xuất huyết
(Ảnh minh họa. Internet)
  • Hạ sốt: Khi sốt < 38,5 độ C hạ sốt bằng cách sử dụng các phương pháp vật lý như chườm bằng nước ấm vào các vùng trán, nách, bẹn. Khi sốt từ 38,5 độ C chườm ấm kết hợp với thuốc Paracetamol liều 10-15mg/kg, 4-6 giờ/ lần. Chú ý nếu trẻ em có tiền co giật nên sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C. Lưu ý trong bệnh sốt xuất huyết thì không được dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt.
  • Bù nước và điện giải: Uống nhiều nước, dùng dung dịch oresol pha ướng để bù nước và điện giải.
  • Dùng các loại thuốc giúp tăng vững bền thành mạch như rutin C.

2.2 Chế độ ăn uống sinh hoạt

Chế độ ăn uống sinh hoạt
(Ảnh minh họa. Internet)
  • Nên hạn chế đi lại giảm nguy cơ xuất huyết, nghỉ ngơi tại giường.
  • Ăn chế độ ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường vitamin C bằng các loại quả.
  • Theo dõi tiến triển bệnh thường xuyên: Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, li bì, lơ mơ, nôn nhiều không uống được, đau bụng nhiều, xuất huyết bất thường như đi ngoài phân đen, nôn ra máu, băng kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng không cầm được… đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh những biến chứng.

Cũng là do virus gây ra nhưng sốt xuất huyết lại có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy không nên chủ quan khi bị bệnh, theo dõi và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để tránh biến chứng. Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết không khó nhưng việc kiểm soát được những biến chứng cần phải xét nghiệm theo dõi thường xuyên.

>> Xem thêm:

 

Nguồn tài liệu tham khảo: thuốc nam Nguyễn Kiều https://thuocnamnguyenkieu.com/

Tags: