Tiểu đường tuýp 1 là tình trạng cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn insulin ngoại sinh. Bệnh thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, biểu hiện bệnh rầm rộ do thiếu hụt insulin.
1. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?

Tiểu đường tuýp 1 hay còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin. Bệnh gây ra do tình trạng cơ thể không thể sản xuất lượng insulin theo nhu cầu của cơ thể hoặc hoàn toàn không thể sản xuất insulin.
Bình thường, insulin được sản xuất nhờ các tế bào beta của đảo tụy nội tiết. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại chính cơ thể mình. Các kháng thể này đến và tiêu diệt các tế bào beta. Các tế bào beta dần chết theo một chương trình. Do đó gây ra các triệu chứng bệnh rầm rộ.
2. Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1

Nguyên nhân tiểu đường tuýp 1 hiện tại vẫn chưa được biết. Bình thường, các tế bào miễn dịch chỉ chống lại các tác nhân gây hại. Nhưng vì một lý do nào đó đã phá hủy các tế bào tiết insulin.
Người ta nhận thấy bệnh này có liên quan tới yếu tố di truyền. Nghĩa là nếu bố mẹ bị bệnh sẽ tăng nguy cơ con cái mắc bệnh.
Các yếu tố môi trường: Nhiễm các loại virus như Coxsackie, Rubella có thể khởi phát tình trạng phá hủy tế bào beta đảo tụy.
Yếu tố nguy cơ:
- Người có gia đình mắc bệnh tiểu đường này
- Thiếu vitamin D.
- Nói chung bệnh nguyên của bệnh chưa thực sự được biết rõ.
3. Các dấu hiệu bệnh tiểu đường tuýp 1

Do hiện tượng mất hàng loạt các tế bào tiết insulin nên bệnh này thường khởi phát nhanh, rầm rộ. Triệu chứng tiểu đường tuýp 1 bao gồm:
Những triệu chứng kinh điển của tiểu đường 4 nhiều:
- Người bệnh ăn nhiều.
- Uống nhiều (hay khát nước).
- Tiểu nhiều (do đường trong nước tiểu cao, gây lợi niệu thẩm thấu).
- Gầy nhiều.
- Bệnh thường khởi phát ở người trẻ tuổi, dưới 30 tuổi.
Triệu chứng khi có biến chứng:
Biến chứng tiểu đường tuýp 1 cấp tính: Nhiễm toan ceton là biến chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1. Với các biểu hiện như:
- Bệnh thường khởi phát dần dần, hoặc có thể đột ngột ở trẻ em hoặc người già.
- Xuất hiện các dấu hiệu 4 nhiều.
- Rối loạn tiêu hoá.
- Yếu, mệt mỏi, khô da, chuột rút, mạch nhanh, tụt huyết áp (do giảm khối lượng tuần hoàn).
- Rối loạn ý thức (lơ mơ, ngủ gà, hôn mê), thở nhanh, hơi thở mùi táo thối.
- Biến chứng này cần phải điều trị cấp cứu.
Biến chứng mạn tính
- Nhìn mờ do biến chứng võng mạc, đục thủy tinh thể.
- Đau ngực thường do biến chứng mạch vành.
- Tê bì dị cảm ở bàn chân. Do biến chứng thần kinh và mạch máu ngoại biên.
- Loét, nhiễm trùng bàn chân, thường xảy ra khi bàn chân có vết thương. Khó liền vết thương.
- Đầy bụng, chậm tiêu, nuốt khó do biến chứng thần kinh tự động gây liệt dạ dày và thực quản.
4. Chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1
Chẩn đoán bệnh dựa vào các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng.
4.1 Dấu hiệu lâm sàng
- Có thể liên quan tới tiền sử gia đình, trong gia đình có người mắc tiểu đường này.
- Thường thấy ở người trẻ tuổi, dưới 30 tuổi.
- Các triệu chứng bệnh xuất hiện một cách rầm rộ.
4.2 Dấu hiệu cận lâm sàng
Chẩn đoán xác định tình trạng tiểu đường khi có 1 trong các biểu hiện sau:
- Đường huyết ở thời điểm bất kì >=11,1 mmol/l, kèm triệu chứng của tăng đường huyết.
- Đường huyết lúc đói (sau khi nhịn ăn >8-14h) >=7 mmol trong 2 buổi sáng khác nhau
- Đường huyết 2 giờ sau làm nghiệm pháp tăng đường huyết >=11,1 mmol/l.
- HbA1C (định lượng bằng phương pháp sắc kí lỏng) >=6,5%
- Các xét nghiệm xác định là tiểu đường tuýp 1 gồm:
- Thấy có kháng thể kháng beta đảo tụy.
- Lượng insulin máu thấp hoặc không có( xét nghiệm thông qua peptit-C)
5. Điều trị như thế nào?

Do cơ thể không sản xuất được insulin cho nên cần đưa nguồn insulin ngoại sinh vào cơ thể. Liều tiêm insulin phụ thuộc vào từng bệnh nhân và mức tăng đường huyết.
Các biện pháp khác như:
- Chế độ ăn uống giảm tinh bột, đồ ngọt, giảm các chất béo.
- Thường xuyên tập thể dục giúp tiêu hao năng lượng dư thừa.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 đôi khi xuất hiện đột ngột với các biến chứng. Nên việc theo dõi những thay đổi sớm của cơ thể là rất quan trọng.
>>> Xem thêm:
Nguồn tài liệu tham khảo: thuốc nam Nguyễn Kiều https://thuocnamnguyenkieu.com/